Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Tử Cấm Thành - Trung Quốc

Tử Cấm thành (紫禁城) Bắc Kinh, Trung Quốc hay Cố Cung (故宮) (theo cách gọi ngày nay), nằm ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh trước đây, là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh Trung Quốc. Viện bảo tàng nằm trong Cố Cung được gọi là Viện bảo tàng Cố Cung (故宫博物院, Cố Cung bác vật viện). Diện tích Tử Cấm Thành là 720.000 m², gồm 800 cung và 8.886 phòng. Do đó, UNESCO đã xếp Cố Cung vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và được công nhận là Di sản thế giới tại Trung Quốc vào năm 1987 với tên gọi là Cung điện triều Minh và triều Thanh tại Bắc Kinh và Thẩm Dương (tiếng Anh: Imperial Palace of the Ming and Qing Dynasties in Beijing and Shenyang). Khu Tử Cấm thành tọa lạc tại chính nam của Quảng trường Thiên An Môn. Có thể đi vào Cố Cung qua Thiên An Môn. Tử Cấm Thành được Hoàng thành bao bọc xung quanh.


Các số liệu thực tế:

  • Diện tích: 250.000 m² 
  • Số công trình: 800 Số phòng: 8.886 
  • Số nhân lực ước tính: 1.000.000 

Tử Cấm Thành được thiết kế bởi nhiều kiến trúc sư và nhà thiết kế. Các kiến trúc sư trưởng là Sái Tín (蔡信), Trần Khuê (陳珪), Ngô Trung (吳中) và thái giám Nguyễn An (阮安), một người Việt Nam, còn các tổng công trình sư là Khoái Tường (蒯祥) và Lục Tường (陸祥).



Kiến Trúc
Tử Cấm Thành có hình chữ nhật, chiều bắc - nam dài 961 m và đông - tây dài 753 m. Nó gồm 980 căn nhà với 8,886 phòng, được bao bọc bởi tường cao 7.9 m và dày 6 m, với hào sâu 52 m. Bốn góc là 4 tòa tháp (E) với kiểu mái phức tạp, tượng trưng cho Đằng Vương các (滕王阁) và Hoàng Hạc lâu (黄鹤楼). Mỗi mặt tường có một cổng: Ngọ môn (午门) (A); Thần Vũ môn (神武门)(B); Đông Hoa môn (东华门)(D) và Tây Hoa môn (西华门)(C). Tử Cấm thành được chia làm hai phần: Ngoại đình (外廷) (còn gọi là Tiền triều 前朝) phía Nam dành cho các lễ nghi, và Nội đình (内廷) (tức Hậu cung 后宫) phía Bắc là nơi ở của Hoàng đế và Hoàng thất, cũng là nơi Hoàng đế và các quan lại họp bàn việc triều chính hàng ngày.


Tiền Triều
Đi vào từ Ngọ môn, sẽ thấy một con sông (Kim Thủy) được bắc qua bởi năm cây cầu, dẫn đến Thái Hòa môn, đằng sau là một quảng trường lớn. Phía cuối quảng trường là bậc thang làm bằng đá cẩm thạch trắng, dẫn vào Tam Đại điện (三大殿) là Thái Hòa điện (太和殿), Trung Hòa điện (中和殿) và Bảo Hòa điện (保和殿). Thái Hòa điện ban đầu có tên là Phụng Thiên điện (奉天殿) là điện lớn nhất, cao 30 m so với quảng trường xung quanh, là nơi diễn ra các nghi thức và lễ tế quan trọng. Trung Hòa Điện ban đầu có tên là Hoa Cái điện (华盖殿) nhỏ hơn, là nơi Hoàng đế chuẩn bị và nghỉ ngơi trong các buổi lễ. Phía sau là Bảo Hòa điện ban đầu có tên là Cẩn Thân điện (谨身殿), để tập dượt chuẩn bị cho các nghi lễ, và cũng là nơi tổ chức vòng thi cuối cùng của kỳ thi khoa cử. Cả ba điện đều có ngai vàng, và cái lớn nhất được đặt ở Thái Hòa điện. Phía Tây Nam và Đông Nam của Tiền triều là Võ Anh điện (武英殿) (H) và Văn Hoa điện (文華殿) (J). Võ Anh điện là nơi Hoàng đế gặp các quan đại thần và thiết triều, còn Văn Hoa điện là nơi lưu trữ thư pháp của Hoàng đế. Phía Đông Bắc là Nam tam sở (南三所)(K), là nơi ở của Hoàng thái tử.


Hậu Cung
Hậu cung được phân cách với Tiền triều bởi một sân thuôn dài, là nơi ở của Hoàng đế và Hoàng thất. Ở triều Thanh, Hoàng đế ở và làm việc chủ yếu ở Hậu cung, còn Tiền triều chỉ được sử dụng cho các lễ nghi quan trọng. Ở trung tâm của Hậu cung là ba cung lớn (Hậu tam cung 后三宫): Càn Thanh cung (乾清宮), Giao Thái điện (交泰殿) và Khôn Ninh cung (坤宁宫). Hoàng đế, biểu thị cho Dương và Trời, ở Càn Thanh cung. Hoàng hậu, biểu thị cho Âm và Đất, ở Khôn Ninh cung. Giao Thái điện ở giữa hai cung, tượng trưng cho sự giao hòa Âm - Dương. Đây là nơi giữ 25 loại ấn quan trong của nhà Thanh cũng như các vật dụng dùng cho các nghi lễ. Từ thời Ung Chính, vua chuyển đến sống tại Dưỡng Tâm điện (养心殿) (N) phía tây để tỏ lòng kính trọng với Khang Hi. Càn Thanh cung trở thành nơi thiết triều của Hoàng đế. Vì vậy, Hoàng hậu cũng rời khỏi cung Khôn Ninh. Đằng sau ba điện là một khu vườn khá nhỏ, tên là Ngự Hoa viên (M). Phía bắc của khu vườn là Thần Võ môn (B). Xung quanh điện Dưỡng Tâm là nơi làm việc của Bộ Quân Cơ (Quân Cơ Xứ 军机处) và các quan lại chủ chốt. Mỗi bên Đông và Tây của cung Càn Thanh là sáu cung khác, gọi là Đông lục cung và Tây lục cung. Từ đời Ung Chính, Hoàng hậu sẽ chọn một trong mười hai cung này để ở. Đây còn là nơi ở của các phi tần và con cái của Hoàng đế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét