Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.


Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phần bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.


Với những giá trị nổi bật, tại kỳ họp lần thứ 23 cuối năm 1999 (ngày 4 tháng 12 năm 1999), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới, dựa trên hai tiêu chí :

  • Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế.
  • Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.

So với các đô thị khác của Việt Nam, Hội An có những đặc điểm lịch sử và địa lý nhân văn rất riêng biệt. Mảnh đất nơi đây có một lịch sử lâu đời và là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều nền văn hóa. Đặc điểm đầu tiên có thể nhận thấy ở văn hóa Hội An chính là tính đa dạng. Những người Việt vào cư trú ở Hội An từ cuối thế kỷ 15 chung sống hòa bình với bộ phận dân cư người Chăm vẫn định cư rất lâu từ trước đó. Khi Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất, nơi đây đã tiếp nhận nhiều cư dân mới đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Điều này giúp cho Hội An có được một nền văn hóa nhiều tầng, nhiều lớp và đa dạng, thể hiện ở tất cả các hình thái văn hóa phi vật thể như phong tục tập quán, văn học dân gian, ẩm thực, lễ hội... Một đặc điểm nổi bật khác của văn hóa Hội An là tính bình dân. Khác với Huế, kinh thành cũ, nơi nhiều di sản văn hóa mang tính chất cung đình, hệ thống di tích của Hội An là những thiết chế văn hóa cổ truyền của cuộc sống đời thường. Ở Hội An, văn hóa phi vật thể vẫn đang sống và tương thích với hình thái văn hóa vật thể.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Tượng Nữ Thần Tự Do

Tượng Nữ thần Tự do (tên đầy đủ là Nữ thần Tự do soi sáng thế giới; tiếng Anh: Liberty Enlightening the World; tiếng Pháp: La Liberté éclairant le monde) là một tác phẩm điêu khắc theo phong cách tân cổ điển với kích thước cực lớn, đặt trên Đảo Liberty tại cảng New York. Tác phẩm này do kiến trúc sư Frédéric Bartholdi thiết kế và được khánh thành vào ngày 28 tháng 10 năm 1886. Đây là tặng vật của nhân dân Pháp gửi nước Mỹ. Tượng Nữ thần Tự do có hình dáng một người phụ nữ mặc áo choàng, tiêu biểu cho Libertas, nữ thần tự do của La Mã, tay phải cầm ngọn đuốc còn tay kia một tấm đá phiến có khắc ngày tháng độc lập của Hoa Kỳ. Bức tượng này là biểu tượng mẫu mực của lý tưởng tự do cũng như của chính Hoa Kỳ.


Kiến trúc sư Bartholdi lấy cảm hứng từ một lời nói của chính trị gia kiêm giáo sư luật học người Pháp, Édouard René de Laboulaye vào năm 1865 rằng bất cứ tượng đài nào dựng lên để đánh dấu ngày độc lập của Hoa Kỳ thì cũng đáng là một dự án chung của cả hai dân tộc Pháp và Mỹ. Vì tình hình chính trị xáo trộn tại Pháp, công trình bị hoãn cho đến đầu thập niên 1870. Năm 1875, Laboulaye đề nghị rằng Pháp sẽ tài trợ việc đúc tượng còn Mỹ sẽ xây phần bệ và tìm vị trí đặt tượng. Bartholdi hoàn thành phần đầu tượng và cánh tay cầm đuốc trước khi bức tượng được thiết kế toàn bộ. Các bộ phận của tượng được trưng bày triển lãm cho công chúng xem trong nhiều đợt triển lãm quốc tế. Riêng cánh tay phải cầm ngọn đuốc được trưng bày tại Công viên Quảng trường Madison của Thành phố New York từ năm 1876 đến năm 1882. Công việc xúc tiến gây quỹ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về phía người Mỹ. Năm 1885 công việc xây dựng bệ tượng bị đe dọa đình chỉ vì thiếu ngân sách. Joseph Pulitzer, chủ bút của nhật báo New York World, phải khởi động cuộc vận động quyên góp để hoàn thành dự án. Chiến dịch vận động của ông đã thu hút trên 120.000 người ủng hộ. Trong số người góp tiền, đa số góp dưới một đô la mỗi người.

Bức tượng được xây dựng tại Pháp, xếp trong các thùng lớn và vận chuyển bằng tàu biển, rồi sau đó được ráp vào bệ tượng nằm trên hòn đảo vốn xưa kia có tên là Đảo Bedloe. Để đánh dấu việc hoàn thành bức tượng, một cuộc diễn hành lớn diễn ra tại Thành phố New York. Đó cũng là lần đầu tiên công chúng chứng kiến hoa giấy tung xuống đường phố như tuyết rơi. Buổi lễ khánh thành do Tổng thống Grover Cleveland làm chủ tọa. Tượng Nữ thần Tự do được Ban đặc trách Hải đăng Hoa Kỳ quản lý cho đến năm 1901 và rồi sau đó là Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ; kể từ năm 1933 thì do Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ quản lý.

Bức tượng phải đóng cửa để tu sửa lớn vào năm 1938. Vào đầu thập niên 1980, vì có dấu hiệu hư hại, tượng lại trải qua một đợt đại trùng tu nữa. Trong thời gian tu sửa từ năm 1984 đến 1986, ngọn đuốc và phần lớn cấu trúc bên trong cũng được thay thế. Sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, Tượng Nữ thần Tự do bị đóng cửa vì lý do an ninh; bệ tượng mở cửa lại vào năm 2004 và toàn phần tượng lại đón khách vào xem kể từ năm 2009 nhưng với số lượng hạn chế được phép đi lên đến phần mũ miện. Nhà chức trách dự trù đóng cửa khoảng một năm, bắt đầu từ cuối năm 2011 để trang bị thêm một cầu thang phụ. Lối vào ban công bao quanh ngọn đuốc bị ngăn lại vì lý do an toàn kể từ năm 1916.

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Đồng Hồ Big Ben

Big Ben tên đầy đủ là Tháp đồng hồ của cung điện Westminster là một cấu trúc tháp đồng hồ ở mặt Đông-Bắc của công trình Nhà quốc hội ở Westminster, London, Anh. Mặc dù được biết đến rộng rãi với cái tên Big Ben, nhưng thực ra, tên này chính là tên của cái chuông đặt bên trong tháp. Tháp còn hay bị gọi nhầm là St. Stephen's Tower. Vào ngày diễu binh mừng 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, Quốc hội Anh đã tuyên bố tháp Big Ben sẽ được đổi tên thành Tháp Elizabeth kể từ ngày 4 tháng 6 năm 2012.


Tháp này được đưa là một phần của thiết kế của Charles Barry cho một tòa lâu đài mới, sau khi Lâu đài Westminster bị hỏa hoạn phá hủy đêm 16 tháng 10 năm 1834. Tháp được thiết kế theo phong cách Victorian Gothic và cao 96,3 m. Thiết kế 61 m đầu tiên của kết cấu là tháp đồng hồ, bao gồm gạch xây phủ đá; phần còn lại chiều cao của tháp là cơ cấu hình chóp bằng gang. Móng rộng 15 x 15 m, bê tông dày 3 m, sâu 7 m dưới đất. Trọng lượng tháp 9553 tấn. Bốn mặt đồng hồ cao 55 m trên mặt đất. Do điều kiện nền đất kể từ khi được xây dựng đến nay, tháp hơi nghiêng về phía Tây-Bắc, khoảng 220 mm. Do hiệu ứng nhiệt, tháp lắc lư hướng Đông Tây một chút hàng năm.

Đồng Hồ Big Ben
Mặt chiếc đồng hồ to lớn đủ để tháp Big Ben từng nổi tiếng với cái tên "Chiếc đồng hồ bốn mặt lớn nhất thế giới". Nhưng đó đã là quá khứ. Kỷ lục của chiếc đồng hổ lừng danh này đã bị một chiếc đồng hồ khác vượt qua, đó là chiếc tháp đồng hồ Allen-Bradley ở Milwaukee, Wisconsin. Thế nhưng chiếc đồng hồ Allen-Bradley cuối cùng lại không được người xây dựng lắp cho quả chuông nào, vì vậy, tới hiện tại, Big Ben vẫn được gọi là "chiếc đồng hồ bốn mặt có chuông lớn nhất thế giới". Hệ thống máy móc của đồng hồ Big Ben (thực ra Big Ben chỉ là tên gọi thông tục của chiếc chuông chính nặng 13 tấn được treo ở chiếc Tháp-Đồng hồ này) đã được hoàn thành từ năm 1854 nhưng tòa tháp lại được hoàn thành sau đó 4 năm - năm 1858.


Chiếc đồng hồ và cấu trúc mặt số của nó được Augustus Pugin thiết kế. Mỗi mặt của chiếc đồng hồ được đặt vào trong một khối đá hình vuông có cạnh là 21 feet hay 7 m, cùng với tổng cộng 576 miếng kính trong suốt, gần giống như kiểu các ô cửa sổ bằng kính có khắc những bức tranh ở nhà thờ Anh thời đó. Xung quanh mặt đồng hồ được khắc những đường viền tạo thành một chiếc khung. Cạnh dưới của khung ở mỗi mặt đồng hồ có khắc dòng chữ Latinh: "DOMINE SALVAM FAC REGINAM NOSTRAM VICTORIAM PRIMAM" có nghĩa là: "Xin chúa hãy bảo vệ cho nữ hoàng Victoria của chúng con". Chiếc đồng hồ bắt đầu được mở cửa cho khách tham quan lần đầu tiên từ ngày 7 tháng 9 năm 1859. Trong suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, cung điện Westminster đã bị trúng bom do người Đức oanh tạc, phá hủy nhà khách của cung điện và gây hư hại tới mặt phía Tây của chiếc đồng hồ.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Khu di tích Chichén Itzá

Chichen Itza (từ tiếng Yucatec Maya chich'en itza', "Tại miệng giếng của Itza") là một địa điểm khảo cổ thời tiền Colombo do người Maya xây dựng, nằm ở trung tâm phía bắc Bán đảo Yucatán, Mexico ngày nay.


Chichen Itza từng là một trung tâm cấp vùng lớn tại những vùng đất thấp Maya từ Đầu Cổ điển (Late Classic) cho tới Cuối Cổ điển (Terminal Classic) và kéo dài tới cả một số thời kỳ ở giai đoạn đầu Hậu Cổ điển (Early Postclassic). Địa điểm này chứa đựng vô số các phong cách kiến trúc, từ cái gọi là "kiểu Mexico" và kiểu các phong cách tìm thấy ở trung Mexico cho tới phong cách Puuc được tìm thấy tại Puuc Maya ở các vùng đất thấp phía bắc. Sự hiện diện của các phong cách Mexico từng được cho là biểu hiện của sự di cư trực tiếp hay thậm chí là sự chinh phục của vùng trung Mexico, nhưng những quan điểm gần đây nhất cho rằng sự hiện diện của những phong cách phi Maya đó có lẽ chính xác hơn là một sự khuếch tán văn hoá.


Các dữ liệu khảo cổ học, như bằng chứng cho thấy một số công trình hay các quần thể kiến trúc bị đốt cháy, cho thấy rằng sự sụp đổ của Chichen Itza gắn liền với bạo lực. Sau khi quyền bá chủ của Chichen Itza suy tàn, một quyền lực cấp vùng khác là Yucatán nổi lên trở thành trung tâm mới của Mayapan. Theo Hiệp hội Nhân loại học Châu Mỹ, những tàn tích Chichen Itza hiện là tài sản liên bang, và quyền quản lý địa điểm này thuộc Instituto Nacional de Antropología e Historia (INAH) Mexico. Tuy nhiên, vùng đất bên dưới các công trình, thuộc sở hữu tư nhân bởi đa phần các vùng đất này đều là các tài sản thừa kế tại Mexico. Trong trường hợp Chichen Itza, vùng khảo cổ học thuộc sở hữu của gia đình Barbachano.


Chichen Itza hiện là một Địa điểm Di sản Thế giới và là một nơi thu hút nhiều du khách; nó là nơi được nhiều người tham quan nhất trong số các địa điểm khảo cổ Maya. Nhiều du khách từ khu du lịch Cancún đã mất trọn một ngày cho chuyến đi đến Chichen Itza, và thường chỉ đủ thời gian thăm một số phần của nó. El Castillo bị cho là không an toàn với du khách trèo lên tham quan, bởi chính phủ và các nhà khảo cổ học cho rằng địa điểm này không ổn định. Nhiều kế hoạch nhằm làm giảm tình trạng hư hỏng, và phục hồi đã được đề xuất.

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Khu lăng mộ Giza

Khu lăng mộ Giza hay Giza Necropolis nằm tại cao nguyên Giza, ngoại ô Cairo, Ai Cập. Khu lăng mộ cổ này nằm khoảng tám km bên trong sa mạc từ thị trấn Giza cổ trên bờ sông Nin, cách 20 km phía tây nam trung tâm thành phố Cairo.

Khu lăng mộ Giza

Khu lăng mộ Ai Cập cổ đại này bao gồm các kim tự tháp. Kim tự tháp Khufu (cũng được gọi là Đại kim tự tháp hay Kim tự tháp Cheops, tọa độ 29°58′31.3″B, 31°07′52.7″Đ), kim tự tháp hơi nhỏ hơn - Kim tự tháp Khafre (hay Chephren tọa độ 29°58′42.6″B, 31°08′05.0″Đ) và kim tự tháp nhỏ nhất - Kim tự tháp Menkaure (hay Mykerinus tọa độ 29°58′19.8″B, 31°07′43.4″Đ), cùng với một số công trình vệ tinh nhỏ khác, được gọi là các kim tự tháp "nữ hoàng", các con đường và các thung lũng kim tự tháp, và đáng chú ý nhất là Đại Nhân sư. Cùng với các lăng mộ hoàng gia đó là các ngôi mộ của các quan chức cao cấp cũng như công trình và lăng mộ khác đời sau này (từ thời Vương triều mới trở về sau) và các đền đài bày tỏ sự sùng kính tới những người được chôn cất tại đó.

Khu lăng mộ Giza

Trong số ba kim tự tháp đó, chỉ kim tự tháp Khafre còn giữ được một phần lớp đá bóng ốp ngoài, ở trên đỉnh. Cần lưu ý rằng kim tự tháp này trông có vẻ lớn hơn kim tự tháp Khufu ở bên cạnh vì thế đất cao nơi nó được xây dựng, và góc nghiêng xây dựng lớn hơn – trên thực tế, nó nhỏ hơn cả về trọng lượng và khối lượng. Giai đoạn xây dựng nhộn nhịp nhất ở đây diễn ra khoảng thế kỷ thứ 25 TCN.

Khu lăng mộ Giza

Những di tích cổ còn lại của khu lăng mộ Giza đã thu hút rất nhiều khách du lịch từ thời cổ đại, khi các công trình thời Cổ vương quốc đó đã có hơn 2.000 năm tuổi. Nó đã trở nên nổi tiếng trong đại chúng từ thời Hy Lạp cổ đại khi Đại kim tự tháp được Antipater xứ Sidon liệt vào danh sách Bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Ngày nay đây là Kỳ quan cổ đại duy nhất còn tồn tại.


Phần lớn vì các hình ảnh ở thế kỷ 19, các kim tự tháp Giza được người nước ngoài cho là nằm ở một nơi xa xôi trong sa mạc, dù chúng hiện thuộc một trong những thành phố đông đúc nhất ở Châu Phi. Vì thế, sự phát triển đô thị đã lan thẳng tới vành đai địa điểm cổ đại, tới mức trong thập niên 1990 một tiệm Pizza và một nhà hàng Gà rán Kentucky đã được mở cửa trên con đường dẫn tới đó.


Các địa điểm cổ đại tại vùng Memphis gồm các địa điểm tại Giza, cùng với các địa điểm tại Saqqara, Dahshur, Abu Ruwaysh, và Abusir, được tuyên bố chung là một Địa điểm di sản Thế giới năm 1979.

Các công trình chính
  • Kim tự tháp Khufu ("Đại kim tự tháp", "Cheops") 
  • Kim tự tháp Khafre ("Chephren") 
  • Kim tự tháp Menkaure (""Mycerinus") 
  • Đại Nhân sư 
  • Con tàu Khufu

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Tử Cấm Thành - Trung Quốc

Tử Cấm thành (紫禁城) Bắc Kinh, Trung Quốc hay Cố Cung (故宮) (theo cách gọi ngày nay), nằm ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh trước đây, là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh Trung Quốc. Viện bảo tàng nằm trong Cố Cung được gọi là Viện bảo tàng Cố Cung (故宫博物院, Cố Cung bác vật viện). Diện tích Tử Cấm Thành là 720.000 m², gồm 800 cung và 8.886 phòng. Do đó, UNESCO đã xếp Cố Cung vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và được công nhận là Di sản thế giới tại Trung Quốc vào năm 1987 với tên gọi là Cung điện triều Minh và triều Thanh tại Bắc Kinh và Thẩm Dương (tiếng Anh: Imperial Palace of the Ming and Qing Dynasties in Beijing and Shenyang). Khu Tử Cấm thành tọa lạc tại chính nam của Quảng trường Thiên An Môn. Có thể đi vào Cố Cung qua Thiên An Môn. Tử Cấm Thành được Hoàng thành bao bọc xung quanh.


Các số liệu thực tế:

  • Diện tích: 250.000 m² 
  • Số công trình: 800 Số phòng: 8.886 
  • Số nhân lực ước tính: 1.000.000 

Tử Cấm Thành được thiết kế bởi nhiều kiến trúc sư và nhà thiết kế. Các kiến trúc sư trưởng là Sái Tín (蔡信), Trần Khuê (陳珪), Ngô Trung (吳中) và thái giám Nguyễn An (阮安), một người Việt Nam, còn các tổng công trình sư là Khoái Tường (蒯祥) và Lục Tường (陸祥).



Kiến Trúc
Tử Cấm Thành có hình chữ nhật, chiều bắc - nam dài 961 m và đông - tây dài 753 m. Nó gồm 980 căn nhà với 8,886 phòng, được bao bọc bởi tường cao 7.9 m và dày 6 m, với hào sâu 52 m. Bốn góc là 4 tòa tháp (E) với kiểu mái phức tạp, tượng trưng cho Đằng Vương các (滕王阁) và Hoàng Hạc lâu (黄鹤楼). Mỗi mặt tường có một cổng: Ngọ môn (午门) (A); Thần Vũ môn (神武门)(B); Đông Hoa môn (东华门)(D) và Tây Hoa môn (西华门)(C). Tử Cấm thành được chia làm hai phần: Ngoại đình (外廷) (còn gọi là Tiền triều 前朝) phía Nam dành cho các lễ nghi, và Nội đình (内廷) (tức Hậu cung 后宫) phía Bắc là nơi ở của Hoàng đế và Hoàng thất, cũng là nơi Hoàng đế và các quan lại họp bàn việc triều chính hàng ngày.


Tiền Triều
Đi vào từ Ngọ môn, sẽ thấy một con sông (Kim Thủy) được bắc qua bởi năm cây cầu, dẫn đến Thái Hòa môn, đằng sau là một quảng trường lớn. Phía cuối quảng trường là bậc thang làm bằng đá cẩm thạch trắng, dẫn vào Tam Đại điện (三大殿) là Thái Hòa điện (太和殿), Trung Hòa điện (中和殿) và Bảo Hòa điện (保和殿). Thái Hòa điện ban đầu có tên là Phụng Thiên điện (奉天殿) là điện lớn nhất, cao 30 m so với quảng trường xung quanh, là nơi diễn ra các nghi thức và lễ tế quan trọng. Trung Hòa Điện ban đầu có tên là Hoa Cái điện (华盖殿) nhỏ hơn, là nơi Hoàng đế chuẩn bị và nghỉ ngơi trong các buổi lễ. Phía sau là Bảo Hòa điện ban đầu có tên là Cẩn Thân điện (谨身殿), để tập dượt chuẩn bị cho các nghi lễ, và cũng là nơi tổ chức vòng thi cuối cùng của kỳ thi khoa cử. Cả ba điện đều có ngai vàng, và cái lớn nhất được đặt ở Thái Hòa điện. Phía Tây Nam và Đông Nam của Tiền triều là Võ Anh điện (武英殿) (H) và Văn Hoa điện (文華殿) (J). Võ Anh điện là nơi Hoàng đế gặp các quan đại thần và thiết triều, còn Văn Hoa điện là nơi lưu trữ thư pháp của Hoàng đế. Phía Đông Bắc là Nam tam sở (南三所)(K), là nơi ở của Hoàng thái tử.


Hậu Cung
Hậu cung được phân cách với Tiền triều bởi một sân thuôn dài, là nơi ở của Hoàng đế và Hoàng thất. Ở triều Thanh, Hoàng đế ở và làm việc chủ yếu ở Hậu cung, còn Tiền triều chỉ được sử dụng cho các lễ nghi quan trọng. Ở trung tâm của Hậu cung là ba cung lớn (Hậu tam cung 后三宫): Càn Thanh cung (乾清宮), Giao Thái điện (交泰殿) và Khôn Ninh cung (坤宁宫). Hoàng đế, biểu thị cho Dương và Trời, ở Càn Thanh cung. Hoàng hậu, biểu thị cho Âm và Đất, ở Khôn Ninh cung. Giao Thái điện ở giữa hai cung, tượng trưng cho sự giao hòa Âm - Dương. Đây là nơi giữ 25 loại ấn quan trong của nhà Thanh cũng như các vật dụng dùng cho các nghi lễ. Từ thời Ung Chính, vua chuyển đến sống tại Dưỡng Tâm điện (养心殿) (N) phía tây để tỏ lòng kính trọng với Khang Hi. Càn Thanh cung trở thành nơi thiết triều của Hoàng đế. Vì vậy, Hoàng hậu cũng rời khỏi cung Khôn Ninh. Đằng sau ba điện là một khu vườn khá nhỏ, tên là Ngự Hoa viên (M). Phía bắc của khu vườn là Thần Võ môn (B). Xung quanh điện Dưỡng Tâm là nơi làm việc của Bộ Quân Cơ (Quân Cơ Xứ 军机处) và các quan lại chủ chốt. Mỗi bên Đông và Tây của cung Càn Thanh là sáu cung khác, gọi là Đông lục cung và Tây lục cung. Từ đời Ung Chính, Hoàng hậu sẽ chọn một trong mười hai cung này để ở. Đây còn là nơi ở của các phi tần và con cái của Hoàng đế.

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Lâu đài Versailles

Lâu đài Versailles (tiếng Pháp: Château de Versailles) thường được gọi là cung điện Versailles hay đơn giản là Versailles là nơi ở của các vua (và hoàng hậu) Pháp Louis XIII, Louis XIV, Louis XV và Louis XVI. Nằm ở phía Tây của Paris tại thành phố Versailles, lâu đài Versailles là biểu tượng của quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp với một diện tích và các công trình kiến trúc cực kì đồ sộ và lộng lẫy. Với một cung điện rộng 67.000 mét vuông gồm trên 2000 phòng, một công viên có diện tích 815 héc ta, Versailles là một trong các lâu đài đẹp nhất và lớn nhất châu Âu cũng như trên thế giới. Năm 1979, lâu đài Versailles đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới.



Kiến Trúc
Lâu đài Versailles là công trình ghi dấu những tinh hoa của nghệ thuật Pháp thế kỉ 17 và 18, kiến trúc của nó tuân theo những quy tắc chuẩn mực của chủ nghĩa cổ điển như tính đối xứng của công trình, các hành lang nhiều cột, các công trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ truyền thuyết và nghệ thuật cổ đại. Xen vào sự chính xác này là một số nét nghệ thuật Baroque. Lâu đài hiện nay hầu như vẫn mang dáng vẻ công trình do vua Louis XIV (1643-1715) giao cho kiến trúc sư Le Vau xây dựng năm 1668.


Bên trong cung điện của lâu đài là nhiều phòng lớn (Grand Appartement) như Phòng lớn của Đức vua, Phòng lớn của Hoàng hậu hay Phòng Gương (Galerie des Glaces). Các phòng lớn này được thông nhau bằng các dãy hành lang trang trí lộng lẫy từ sàn nhà đến trần, đây là tác phẩm của những người thợ thủ công do Charles Le Brun phụ trách. Phòng Gương là căn phòng lớn nhất của lâu đài, nó dài tới 73 mét, một bên nhìn ra khu vườn, một bên được bao phủ bởi 17 tấm gương cực lớn. Bên cạnh các phòng lớn còn có các phòng nhỏ (Petit Appartement) như Phòng ngủ của Đức vua (Chambre du roi) với rất nhiều tấm thảm và gỗ lát tường mạ vàng. Ngoài ra còn có các buồng con và các phòng chức năng khác. Không chỉ gồm các phòng ở và làm việc, lâu đài còn có một nhà nguyện và một nhà hát riêng. Tại nhà nguyện của Versailles từ năm 1689 đến năm 1710 các vị hoàng đế Pháp đã tổ chức những buổi cầu nguyện của hoàng gia. Nhà hát được khánh thành năm 1770 là một trong những công trình lớn cuối cùng được xây dựng của lâu đài


Vài thông tin chi tiết
Hiện nay lâu đài là tài sản công cộng của Nhà nước Pháp. Để quản lý và điều hành lâu đài, người ta cần một đội ngũ 900 nhân viên, trong đó có 400 là nhân viên bảo vệ. Mỗi năm khu lâu đài thu hút 3 triệu lượt người tham quan cung điện và 7 triệu lượt người tham quan công viên, trong số này 70% là khách nước ngoài. Lâu đài Versailles hiện bao gồm các cung điện Versailles, Grand Trianon và Petit Trianon, với 700 phòng, 2.513 cửa sổ, 352 ống khói, 67 cầu thang, 483 gương và 13 héc ta mái ngói. Diện tích mở cửa cho công chúng tổng cộng là 67.121 mét vuông. Phần công viên bao phủ diện tích 800 héc ta, trong đó có 300 héc ta rừng, 2 vườn cảnh kiểu Pháp (Petit Parc, 80 ha, và Trianon, 50 ha).


Phần công viên này có 20 km hàng rào, 42 km đường mòn và 372 bức tượng. Ngoài ra Versailles còn có 55 hồ, bể chứa nước trong đó lớn nhất là Grand Canal, rộng 23 ha với dung tích 500.000 mét khối, còn phải kể đến 600 vòi phun nước và 35 km kênh đào. Các bảo tàng của lâu đài Versailles được Camille Bachasson, bá tước Montalivet thành lập năm 1837 theo lệnh của vua Louis-Philippe I dưới cái tên "Bảo tàng Lịch sử Pháp" (Musée d’Histoire de France).


Với diện tích 18.000 mét vuông, đây là bảo tàng lịch sử lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Nó có một bộ sưu tập tranh cực lớn được sắp xếp theo niên đại lịch sử, tất cả đều do vua Louis-Philippe ra lệnh mua và sưu tầm. Để hoàn thành khối lượng công trình khổng lồ này, vào thời vua Louis XIV người ta đã phải huy động tới hàng chục nghìn lượt lao động (cao nhất là 36.000 nhân công một năm) và tiêu tốn ít nhất là 100 triệu livre. Danh hiệu được trao "miền hoàng gia lớn nhất thế giới," được đo bằng tổng diện tích đất với sân của Versailles bao gồm 87.728.720 feet vuông (8.150.265 m 2 ), hoặc 2.014 mẫu Anh, bao gồm 230 mẫu Anh khu vườn. Các cung điện chính nó chứa 721.206 feet vuông (67.002 m 2 ) của diện tích sàn.

Tháp nghiêng Pisa

Tháp nghiêng Pisa (thường được phiên âm trong tiếng Việt là Tháp nghiêng Pi-da; tiếng Ý: Torre pendente di Pisa) là một tòa tháp chuông tại thành phố Pisa (Ý) được xây dựng năm 1173. Toà tháp cao 55,86 m (183,27 ft) từ mặt đất ở phía thấp nhất và 56,70 m (186,02 ft) ở phía cao nhất. Chiều rộng những bức tường móng là 4,09 m (13,42 ft) và ở trên đỉnh là 2,48 m (8,14 ft). Ước tính trọng lượng của nó khoảng 14.500 tấn. Tháp có 294 bậc.

Tháp nghiêng Pisa là một công trình nghệ thuật, chưa xác định được là do ai thiết kế, được xây dựng trong ba giai đoạn với tổng thời gian khoảng 174 năm. Việc xây dựng lầu chuông tầng thứ nhất bằng đá cẩm thạch bắt đầu ngày 9 tháng 8, 1173, một giai đoạn của sự thịnh vượng và những thắng lợi quân sự. Tầng này được bao quanh bởi những cột có đầu cột kiểu cổ điển đỡ các vòm rèm. Ngày nay sau thời gian hàng thế kỷ cùng những ảnh hưởng thời tiết chúng vẫn còn nguyên vẹn.



Thông số kĩ thuật
  • Tọa độ địa lý: 43.7231° B 10.3964° ĐTọa độ: 43.7231° B 10.3964° Đ
  • Độ cao của Piazza dei Miracoli: khoảng 2 mét (6 feet, DMS)
  • Chiều cao: 55.863 mét (183 ft 3 in), 8 tầng
  • Đường kính ngoài đế: 15.484 m
  • Đường kính trong đế: 7.368 m
  • Góc nghiêng: 3.99 độ hay 3.9 m theo chiều thẳng đứng
  • Trọng lượng: 14.700 tấn
  • Chiều dày tường ở đế: 8 ft (2.4 m)
  • Tổng số chuông: 7, sắp xếp theo thang âm, theo chiều kim đồng hồ
  • Chuông thứ nhất: L'assunta, đúc năm 1654 bởi Giovanni Pietro Orlandi, trọng lượng 3.620 kg (7.981 lb)
  • Chuông thứ hai: il Crocifisso, đúc năm 1572 bởi Vincenzo Possenti, trọng lượng 2.462 kg (5.428 lb)
  • Chuông thứ ba: San Ranieri, đúc năm 1719-1721 bởi Giovanni Andrea Moreni, trọng lượng 1.448 kg (3.192 lb)
  • Chuông thứ tư: La Terza (chiếc nhỏ nhất), đúc năm 1473, trọng lượng 300 kg (661 lb)
  • Chuông thứ năm: La Pasquereccia, đúc năm 1262 bởi Lotteringo, trọng lượng 1.014 kg (2.235 lb)
  • Chuông thứ sáu: il Vespruccio (nhỏ thứ hai), đúc thế kỷ 14 và đúc lại lần nữa năm 1501 bởi Nicola di Jacopo, trọng lượng 1.000 kg (2.205 lb)
  • Chiếc thứ bảy: Del Pozzetto, đúc năm 1606, trọng lượng 652 kg (1.437 lb)
  • Số bậc lên tháp chuông: 294
Du lịch

Mỗi lần tham quan tháp khách du lịch phải chia thành từng nhóm 30 người. Chuyến tham quan kéo dài 30 phút và không có thời gian nghỉ. Các hướng dẫn viên đưa ra các bài tập thể dục khởi động nhằm chuẩn bị cho các du khách để có thể leo liên tục 300 bậc thang nghiêng mà không bị chóng mặt. Lối vào ở tầng cuối cùng khá chật hẹp, và có thể gây khó khăn với những người cao lớn. Trẻ em dưới 8 tuổi không được tham quan tháp, còn trẻ dưới 18 tuổi cần đi kèm với một người lớn. Các túi xách phải để lại dưới đất nhưng máy ảnh và máy quay thì có thể mang theo. Vào năm 2007 vé cho một chuyến tham quan 20 phút là 15€/ người.

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Vạn Lý Trường Thành

Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc liên tục được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN cho tới thế kỷ XVI. , để bảo vệ Đế quốc Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk, và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu. Một số đoạn tường thành được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 TCN, trong đó nổi tiếng nhất là phần tường thành do Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây từ năm 220 TCN và 200 TCN, nằm ở phía bắc xa hơn phần Vạn Lý Trường Thành hiện nay của Trung Quốc xây dưới thời nhà Minh, và hiện chỉ còn sót lại ít di tích.

Lý do để Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành bắt nguồn từ một câu "sấm": "Vong Tần giả, Hồ dã" . Tần Thủy Hoàng tưởng chữ "Hồ" là chỉ giặc Hồ phương Bắc. Dù người làm mất nhà Tần hóa ra là Thái tử "Hồ" Hợi, di sản mà hoàng đế thống nhất Trung Quốc để lại cũng đã đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành sau này.

Vạn Lý Trường Thành - Di sản văn hóa thế giới

Một tường thành có tính chất phòng thủ biên giới phía bắc được xây dựng và duy trì bởi nhiều triều đại trong nhiều khoảng thời gian trong lịch sử Trung Quốc. Mục đích chính của nó là bảo vệ người Trung Quốc khỏi sự di cư của người Mông Cổ và người Thổ Nhĩ Kỳ.

Đoạn tường thành chính đầu tiên được xây dựng dưới thời cai trị của Tần Thuỷ Hoàng, vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Tần với thời gian tồn tại ngắn ngủi. Bức tường này không được xây dựng bởi nỗ lực của một nhóm mà là việc ghép nối nhiều đoạn tường thành của các vùng, từng được xây dựng ở thời Chiến Quốc, vào nhau. Bức tường được nối vào nhau ở thời gian đó làm bằng đất nện với những tháp canh được xây ở các khoảng cách đều nhau. Nó nằm xa hơn về phía bắc so với Vạn lý trường thành hiện tại với điểm cực đông nằm ở Bắc Triều Tiên hiện nay. Chỉ còn ít phần của nó còn sót lại - các bức ảnh cho thấy những ụ đất thấp, dài.

Vạn Lý Trường Thành - Di sản văn hóa thế giới

Các mục đích khác của Vạn Lý Trường Thành bao gồm kiểm soát biên giới, cho phép áp đặt thuế đối với hàng hóa vận chuyển theo con đường tơ lụa, quy định hoặc khuyến khích thương mại và kiểm soát xuất nhập cảnh. Hơn nữa, đặc điểm phòng thủ của Vạn Lý Trường Thành đã được tăng cường bằng việc xây dựng các tháp canh, doanh trại quân đội, trạm đóng quân, báo hiệu có giặc thông qua các phương tiện khói hoặc lửa, và thực tế là con đường của Vạn Lý Trường Thành cũng phục vụ như là một hành lang giao thông vận tải.

Trong khi một số đoạn gần các trung tâm du lịch được giữ gìn và thậm chí xây dựng lại, tại hầu hết các vị trí bức tường đang bị bỏ mặc không được sửa chữa, được dùng làm chỗ chơi cho những người dân làng và là nơi khai thác đá để làm đường hay làm nhà. Các bề mặt của tường thành còn bị sơn vẽ graffiti. Nhiều phần đã bị phá hủy vì bức thành nằm chắn đường tới các địa điểm xây dựng.. Các phần không bị đụng chạm đến hay được sửa chữa là gần những điểm phát triển du lịch và thường bị những người bán hàng rong và khách du lịch làm giảm giá trị. Sa mạc Gobi cũng đang tiến sát tới bức tường thành ở một số địa điểm. Một số ước tính rằng chỉ 20% bức tường thành là đang ở tình trạng tốt. Năm 2005, các bức ảnh về một bữa tiệc điên dại trên Vạn lý trường thành xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc. Chúng đã gây nên sự phẫn nộ bởi vì trong những bức ảnh do người nước ngoài, và người Trung Quốc chụp, những thanh niên uống rượu bia, đi tiểu tiện, đại tiện và có những hành vi tình dục trên bức thành được chiếu ở khắp nước này.

Vạn Lý Trường Thành - Di sản văn hóa thế giới

Bức tường thành nằm trong các danh sách "Bảy kỳ quan thời Trung cổ của Thế giới", tất nhiên nó không nằm trong danh sách truyền thống Bảy kỳ quan thế giới mà người Hy Lạp cổ đại công nhận. Bức tường thành trở thành Di sản thế giới của UNESCO năm 1987.